Thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc Dân_số_Việt_Nam_qua_các_thời_kỳ

Thời Hùng Vương, Việt Nam hoàn toàn không có các tài liệu về việc thống kê dân số chính thức, có thể là do các đời vua Hùng không tiến hành thống kê nhân khẩu hoặc trải qua nghìn năm Bắc thuộc với nhiều lần chiến loạn nên các tài liệu thư tịch cổ bị thất lạc mất, không thể tìm ra được. Các nhà sử học, cả phong kiến và đương thời, ước tính đến cuối thời Văn Lang, Việt Nam có khoảng 1.000.000 dân, chủ yếu phân bố ở khu vực trung hạ du sông Hồng và sông Mã.

Năm 258 TCN, vua tộc Âu Việt là Thục Phán đem quân đánh bại vua Hùng đời thứ 18, sáp nhập lãnh thổ Văn Lang của người Lạc Việt, hai tộc người Âu Việt và Lạc Việt hợp nhất thành một, Thục Phán lên ngôi vua lấy hiệu là An Dương Vương, đặt tên nước là Âu Lạc. Năm 218 TCN, Tần Thủy Hoàng phái tướng Đồ Thư đem 50 vạn quân đi bình định các dân tộc Bách Việt, nhưng sau tướng Đồ Thư bị giết trong 1 cuộc tập kích, quân Tần buộc phải bãi binh do chủ tướng tử trận và các cuộc bạo loạn ở Trung nguyên. Sau cuộc chiến, hơn 10 vạn quân Tần thiệt mạng và khoảng 10 vạn bị quân Âu Lạc bắt làm tù binh, bị đày đi khai hoang ở những miền xa xôi.

Sau khi nhà Tần suy yếu và sụp đổ, phương Bắc chìm trong chiến loạn trong nhiều năm. Các thế lực quân phiệt, tiêu biểu là Hán Lưu Bang và Sở Hạng Vũ, giao tranh quyết liệt để tranh giành đất đai. Dân chúng thường bị vạ lây sau các trận chiến, do các thủ lĩnh quân sự thường tàn sát dân chúng khắp vùng nếu đối phương kháng cự quyết liệt. Tiêu biểu là việc Lưu Bang đã làm cỏ bách tính ở Dĩnh Dương, còn Hạng Vũ đã giết sạch dân ở Tương Thành và tàn sát 20 vạn hàng binh nước Tần. Do đó có nhiều người dân đã chạy xuống phương nam để lánh nạn, mà đa phần là đến vùng Lưỡng Quảng (thuộc nước Nam Việt của Triệu Đà, tướng cũ của nhà Tần), tuy nhiên có một bộ phận chạy xuống tận Âu Lạc, sống chung với người Bách Việt. Theo ước tính, thời Âu Lạc Việt Nam có khoảng 70–80 vạn dân, bao gồm toàn bộ dân cư Lạc Việt cũ, dân cư Âu Việt mới sáp nhập và các nạn dân từ phương bắc chạy đến để tránh chiến loạn.